Tủy răng là cấu trúc mềm trong cùng của răng, chứa mạch máu và dây thần kinh. Viêm tủy là tình trạng nhiễm trùng ở tủy răng gây đau đớn, có thể xảy ra ở một hoặc nhiều răng, do vi khuẩn xâm nhập vào và làm cho tủy sưng lên.
Các dạng viêm tủy răng
Có hai dạng viêm tủy: có hồi phục và không hồi phục. Dạng viêm tủy thứ nhất là những trường hợp viêm nhẹ và tủy răng vẫn đủ khỏe để phục hồi. Trường hợp còn lại là khi tình trạng viêm và các triệu chứng khác như đau trở nên nghiêm trọng.
Viêm tủy không hồi phục có thể dẫn đến một tình trạng nhiễm trùng gọi là áp xe quanh chóp. Áp xe phát triển ở chân răng, hình thành nên một túi mủ. Nếu không được điều trị, nhiễm trùng có thể lan sang các vùng khác của cơ thể như xoang, hàm hoặc não.
Triệu chứng của viêm tủy răng là gì? 
Cả hai loại viêm tủy đều gây đau, trong đó viêm tủy có phục hồi sẽ ít đau hơn và chỉ đau khi ăn uống, còn viêm tủy không phục hồi gây đau nhiều hơn, kéo dài cả ngày lẫn đêm.
Một số triệu chứng của cả hai loại viêm tủy bao gồm:
• Đau
• Nhạy cảm với đồ ăn nóng và lạnh
• Nhạy cảm với đồ ăn rất ngọt
Nguyên nhân của viêm tủy là gì?
Tủy răng được bảo vệ khỏi nhiễm trùng bởi lớp men và ngà răng. Viêm tủy xảy ra khi 2 lớp bảo vệ này bị tổn thương, khiến cho vi khuẩn xâm nhập vào và gây sưng tủy. Tủy nằm sâu bên trong răng, khi bị viêm sẽ tạo ra áp lực và gây đau.
Nguyên nhân gây tổn thương cho lớp men và ngà răng bao gồm:
• Sâu răng
• Chấn thương vùng hàm mặt có tác động đến răng
• Vỡ răng khiến răng bị lộ tủy
• Chấn thương do các vấn đề nha khoa như lệch hàm hoặc nghiến răng
Yếu tố nguy cơ
Bệnh tiểu đường là một trong những nguy cơ gây viêm tủy
Bất cứ điều gì làm tăng nguy cơ sâu răng như sống ở khu vực mà nước không có fluoride hoặc mắc một số bệnh như tiểu đường có thể làm tăng nguy cơ viêm tủy.
Trẻ em và người cao tuổi cũng có thể có nguy cơ cao, nhưng chủ yếu phụ thuộc vào việc chăm sóc sức khỏe răng miệng và thói quen vệ sinh.
Những thói quen sinh hoạt có thể làm tăng nguy cơ viêm tủy bao gồm:
• Vệ sinh răng miệng kém, ví dụ như không đánh răng sau bữa ăn, không gặp nha sĩ thường xuyên để kiểm tra
• Chế độ ăn nhiều đường, hoặc tiêu thụ nhiều đồ ăn/ uống có xu hướng gây sâu răng, ví dụ như carbohydrate tinh chế
• Có nghề nghiệp hoặc sở thích mà nguy cơ bị chấn thương vùng mặt có tác động đến răng cao, chẳng hạn như chơi đấm bốc hoặc khúc côn cầu
• Bệnh nghiến răng mãn tính
Viêm tủy được chẩn đoán như thế nào? 
Nha sĩ sẽ là người kiểm tra và chẩn đoán tình trạng viêm tủy, ngoài ra có thể yêu cầu bạn chụp X-quang để đánh giá mức độ sâu và viêm của răng.
Để đánh giá mức độ đau hoặc khó chịu khi răng tiếp xúc với đồ ăn nóng, lạnh, ngọt, có thể bạn sẽ cần làm một bài kiểm tra độ nhạy cảm của răng. Mức độ và thời gian phản ứng với các tác nhân này của răng có thể giúp nha sĩ đánh giá xem một phần hay toàn bộ tủy răng đã bị ảnh hưởng.
Một bài kiểm tra khác là gõ răng, nha sĩ sẽ dùng một dụng cụ gõ nhẹ lên răng đau của bạn để xác định mức độ viêm.
Cuối cùng, nha sĩ có thể phân tích mức độ tổn thương của tủy răng bằng máy thử nghiệm tủy. Máy sẽ truyền một dòng điện rất nhỏ, gây ra kích thích lên răng cần kiểm tra. Nếu bạn cảm nhận được kích thích này, tủy răng của bạn có thể coi là còn sống và tình trạng viêm tủy có khả năng phục hồi được.
Điều trị viêm tủy răng
Điều trị viêm tủy phụ thuộc vào tình trạng viêm tủy của bạn có phục hồi được hay không.
Đối với trường hợp viêm tủy phục hồi, các triệu chứng sẽ hết sau khi bạn điều trị nguyên nhân gây viêm. Ví dụ như nếu bạn bị sâu răng, chỉ cần loại bỏ vùng bị sâu và hàn lại, cơn đau sẽ chấm dứt.
Trong trường hợp viêm tủy không phục hồi, bác sĩ sẽ tiến hành điều trị nội nha, trong đó lấy tủy là bước đầu tiên. Trong quá trình lấy tủy, bác sĩ loại bỏ chỉ phần tủy răng, sau đó làm sạch khoảng trống và trám bít lại.
Trong một số trường hợp thì bạn sẽ cần nhổ răng vì chiếc răng đó đã chết tủy và không thể phục hồi.
Sau khi điều trị tủy hoặc nhổ răng, nếu bạn gặp phải những tình trạng sau, hãy báo cho nha sĩ:
• Đau nhiều, đau tăng
• Sưng bên ngoài hoặc trong miệng
• Cảm giác căng tức
• Các triệu chứng ban đầu tái diễn
Phòng tránh
Viêm tủy răng có thể phòng tránh bằng cách vệ sinh răng miệng tốt và tới gặp nha sĩ kiểm tra thường xuyên. Bạn nên giảm hoặc kiêng các loại nước ngọt, bánh kẹo. Nếu bạn có thói quen nghiến răng, hãy đeo máng chống nghiến để bảo vệ răng.
Lời kết
Hãy gặp nha sĩ ngay khi có biểu hiện đau răng, bởi điều trị sớm có thể giúp tránh được trường hợp viêm tủy không hồi phục. Viêm tủy có hồi phục được điều trị bằng cách loại bỏ vùng sâu răng và hàn trám lại. Đối với viêm tủy không hồi phục, bạn có thể được chỉ định điều trị tủy hoặc nhổ răng.
0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận